Đề án phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020

Thứ bảy, 24/10/2015, 20:34 GMT+7

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

Đề án phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020

(Kèm theo Công văn số1803-CV/BTGTU, ngày 29/5/2015 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)


I.- SỰ CẦN THIẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH.
Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.
Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch.
Trên thế giới hiện nay, du lịch là một trong những ngành tạo nhiều việc làm và mang lại thu nhập cao; là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hoạt động du lịch giải quyết 7% - 8% về việc làm, 30% xuất khẩu dịch vụ, tạo ra khoảng 5% GDP toàn thế giới. Đặc biệt, du lịch là ngành nhanh chóng tạo cơ hội cho thanh niên và phụ nữ trẻ tham gia lực lượng lao động, đem đến cơ hội bảo vệ xã hội và bình đẳng giới. Do vậy, phát triển du lịch còn là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững, cân bằng.
Du lịch không những là nguồn thu ngoại tệ chủ chốt đối với hầu hết các nước đang phát triển, tạo ra nhiều việc làm cần thiết và các cơ hội cho sự phát triển, mà còn đang ngày càng quan hệ mật thiết hơn với sự bền vững về môi trường. Du lịch có trách nhiệm với môi trường là một trong những trụ cột mới của “nền kinh tế xanh”. Vai trò của du lịch không chỉ được khẳng định ở các nước đang phát triển mà ngay cả ở các nước phát triển hàng đầu như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc.
Do tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, giảm nghèo và chất lượng cuộc sống, phát triển du lịch hiện nay một mặt hướng đến mục tiêu kinh tế, thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch và lợi nhuận cho các doanh nghiệp; mặt khác, hướng đến các mục tiêu cộng đồng, liên quan đến giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
1.- Tình hình và xu hướng phát triển du lịch của thế giới.
1.1- Tình hình du lịch thế giới:

Trong những năm qua, tình hình du lịch thế giới và khu vực có sự tăng trưởng liên tục. Số lượng khách du lịch quốc tế đạt 940 triệu lượt (năm 2010), 983 triệu lượt (năm 2011) và chạm mốc 1 tỷ lượt (năm 2012).
Theo dự báo của tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), trung bình hàng năm, tăng 43 triệu khách du lịch quốc tế. Đến năm 2020, khách du lịch quốc tế sẽ đạt gần 1,4 tỷ lượt và năm 2030 đạt khoảng 1,8 tỷ lượt.
1.2- Xu hướng phát triển du lịch thế giới:
- Nhu cầu của du khách ngày càng mong muốn được hòa nhập vào cuộc sống địa phương (du lịch trải nghiệm).
- Hưởng thụ sản phẩm du lịch xanh. Ưa chuộng sản phẩm du lịch sinh thái, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, kết hợp với các hoạt động vui chơi, giải trí, bảo tồn, phát triển văn hóa địa phương và môi trường tự nhiên. Hơn 1/3 du khách sẵn sàng trả thêm 20 - 40% chi phí để trải nghiệm du lịch thân thiện với môi trường.
- Kết hợp du lịch thể thao và hành trình ẩm thực.
- Giữ vững kết nối: du khách dễ dàng tiếp cận các hành trình du lịch mới trong thời gian ngắn nhất dù họ ở bất cứ nơi đâu nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị thông tin hiện đại máy tính, điện thoại thông minh, đặc biệt là du khách trẻ tuổi.
2.- Tình hình phát triển du lịch Việt Nam.
Việt Nam hiện nằm trong top 5 điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN và top 100 điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới. Năm 2013, khách du lịch đến Việt Nam đạt 7.572.352 lượt.
Thị trường nguồn của du lịch Việt Nam năm 2012 chủ yếu là khách đến từ các nước Đông Bắc Á (46%). Các nước còn lại chiếm tỷ trọng thấp: ASEAN (20%), Châu Âu (13%), Bắc Mỹ (8%), Thái Bình Dương (5%) và thị trường khác (8%).
Mục đích của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2012 chủ yếu là du lịch nghỉ ngơi (61%). Các mục đích khác như: công việc (17%), thăm thân nhân (17%)…
 Mấy năm qua, mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao, năm 2010 (34,8%), năm 2011 (19,1%) nhưng mức tăng tuyệt đối của Việt Nam còn thấp xa so với nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Singapore. Về hướng phát triển trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt là sự cạnh tranh với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực.
3.- Thực trạng phát triển du lịch Đồng Tháp.
3.1- Đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp:

Đồng Tháp có nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, sông nước hữu tình, bốn mùa hoa thơm quả ngọt, cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với con người thân thiện, tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng và nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc… là những lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh.
Sản phẩm tiêu biểu nhất là du lịch sinh thái theo mùa, du lịch sông nước, du lịch trải nghiệm, làng nghề, ẩm thực… gắn liền với tham quan các địa danh đặc trưng trong vùng và nổi tiếng cả nước, như:
- Khu di tích Xẻo Quýt là khu căn cứ kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu của vùng đồng bằng ngập lũ.
- Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 04 của Việt Nam và thứ 2000 của thế giới.
- Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, nơi được mệnh danh là lá phổi xanh giữa vùng Đồng Tháp Mười.
- Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Khu di tích Khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt Gò Tháp.
- Làng hoa kiểng Sa Đéc, Nhà Cổ Huỳnh Thuỷ Lê…
- Ngoài ra, Đồng Tháp còn nhiều đình, chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp Tỉnh và cấp Quốc gia như: Chùa Kiến An Cung, Chùa Hương, Chùa Bà, Chùa Tổ, Đình Tân Phú Trung, đền thờ thượng tướng quân Trần Văn Năng; các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng dệt chiếu Định Yên, Làng nem Lai Vung, Làng dệt choàng Long Khánh, Làng bột Tân Phú Đông, Bánh phồng tôm Sa Giang, Bột Bích Chi; nhiều món ăn đặc trưng của vùng đồng bằng Nam Bộ như: cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, cá rô kho tộ, canh chua cá linh non với bông điên điển, mắm kho bông súng, chuột đồng quay lu, bánh canh vịt xiêm, cơm hạt sen; nhiều loại trái cây miệt vườn nổi tiếng như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, bưởi Phong Hòa…
- Đồng Tháp còn được xem là một tỉnh có nhiều nét văn hóa lễ hội đặc sắc của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Mỗi năm, có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, có những lễ hội đã trở thành sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu của Tỉnh như: Lễ hội Gò Tháp, lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường. Nghệ thuật đờn ca tài tử gắn liền với đời sống người dân - nơi nổi tiếng với giọng “Hò Đồng Tháp”.
Mặc dù là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng du lịch Đồng Tháp được đánh giá là đang phát triển dưới mức tiềm năng. Năm 2013, Đồng Tháp đón và phục vụ 1.727.176 lượt khách du lịch. Tuy nhiên, chủ yếu là khách tham quan hành hương (1.289.867 lượt); khách nội địa và khách quốc tế còn ít (khách quốc tế 42.667 lượt, khách nội địa 393.642 lượt). Tổng doanh thu du lịch đạt thấp (243 tỷ đồng).
3.2- Những khó khăn, hạn chế của du lịch tỉnh Đồng Tháp hiện nay:
- Cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch yếu kém, nhất là hệ thống đường giao thông dẫn vào các khu, điểm du lịch chưa thuận tiện cho xe vận chuyển khách đạt chuẩn du lịch nhiều chỗ ngồi.
- Sản phẩm du lịch đơn điệu, thô sơ, trùng lắp, chất lượng dịch vụ thấp, chưa có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, trải nghiệm để tạo cảm giác hứng thú, hấp dẫn giữ chân du khách.
- Trình độ chuyên môn, kỹ năng của lao động ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên và phục vụ khách du lịch chưa được đào tạo kỹ lưỡng, sự am hiểu về du lịch chưa được sâu, bộc lộ nhiều yếu kém trong cung cách phục vụ và quảng bá du lịch.
- Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch thiếu ấn tượng, hiệu quả chưa cao.
- Nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho du lịch còn hạn chế, dàn trải, thiếu đồng bộ; mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn thấp, chủ yếu mang tính tự phát. - Công tác quản lý Nhà nước về du lịch có lúc, có nơi, có việc còn hạn chế.
II.- ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2015 - 2020.
1.- Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp.
1.1- Quan điểm:

- Tập trung ưu tiên phát triển du lịch. Coi phát triển du lịch là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của Tỉnh từ đây đến năm 2020.
- Đầu tư phát triển du lịch phải hướng đến đối tượng thụ hưởng cuối cùng là người dân địa phương và du khách.
1.2- Mục tiêu của Đề án:
- Giai đoạn 2015-2020, định hình cơ bản mô hình phát triển của du lịch Tỉnh với các nét văn hóa truyền thống, lợi thế đặc trưng tại các tuyến điểm du lịch trọng điểm với từng định vị rõ ràng. Qua đó, tạo nên một bức tranh Du lịch Đồng Tháp hoàn thiện với những nét riêng, không trùng lặp với các địa phương khác.
- Đến năm 2020, du lịch Đồng Tháp tổ chức đưa, đón và phục vụ 3,5 triệu lượt khách, tăng gấp đôi; tổng doanh thu du lịch đạt 900-1.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2013, vươn lên tốp đầu Khu vực ĐBSCL. Xây dựng Đồng Tháp trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực ĐBSCL, là ưu tiên lựa chọn của du khách trong và ngoài nước.
1.3- Nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp:
- Khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để xác định bước đi phù hợp với thực tiễn, đặt du lịch Đồng Tháp trong điều kiện mở, nằm trong mối liên kết với du lịch trong khu vực Đồng bằng Cửu Long, có nối tuyến qua Campuchia.
- Cụ thể hóa thế mạnh về du lịch của du lịch Đồng Tháp trong mối tương quan với du lịch ĐBSCL và cả nước để định vị sản phẩm du lịch chủ đạo cho từng khu điểm du lịch trọng yếu của Tỉnh, tạo nên một bức tranh Du lịch Đồng Tháp hoàn thiện với những nét riêng, không trùng lặp với các địa phương khác trong Vùng.
- Trên cơ sở chiến lược phát triển xuyên suốt đến năm 2020, có những chính sách phân bổ nguồn lực và tài chính một cách hợp lý.
- Quảng bá và xây dựng hình ảnh, hệ thống thương hiệu du lịch “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” tạo nét đặc trưng, ấn tượng và hấp dẫn.
- Tuyên truyền, chuyển biến nhận thức về vai trò của du lịch, “phát triển du lịch không chỉ là kinh tế mà còn là niềm tự hào quê hương xứ sở” tạo sự đồng thuận; có cơ chế, chính sách để phát huy nội lực, khai thác ngoại lực, vận động nhân dân và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng làm du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch trải nghiệm mùa nước nổi, du lịch văn hóa lịch sử, sen, cảnh quan nguyên sơ, làng nghề thủ công truyền thống…
- Xây dựng phong phú các sản phẩm du lịch; tour, tuyến du lịch bao gồm cả đường thủy và đường bộ, kết nối tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng nhằm thu hút du khách đến với Đồng Tháp ngày càng nhiều hơn, lưu lại lâu hơn, sớm đưa du lịch Tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng.
2.- Định hướng phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp.
2.1- Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực:
a)- Nguồn nhân lực chuyên môn:

Phát triển nguồn nhân lực chuyên môn là hướng đi lâu dài và trọng tâm, vừa để định hướng và tăng cường năng lực hoạch định chính sách, vừa để hình thành khung pháp lý và cơ chế cho phát triển nhân lực du lịch. Trong đó tập trung:
- Xây dựng chương trình, cập nhật nội dung đào tạo mới gắn với thực tiễn của địa phương để nâng cao kiến thức quản lý, quản trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhằm giúp cán bộ quản lý có cái nhìn tổng quát về du lịch để phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung phát triển du lịch.
- Tập trung tuyển chọn đào tạo các kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành như lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ bàn, bar, bếp, hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch… Trước mắt cần tuyển chọn và tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch Đồng Tháp nhằm xây dựng một lực lượng nòng cốt chuyên nghiệp vừa giới thiệu du lịch Đồng Tháp, tham gia các chương trình xúc tiến của Tỉnh, vừa là sứ giả du lịch Đất Sen hồng.
b)- Nguồn nhân lực cộng đồng:
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cộng đồng dân cư địa phương quanh vùng có khu, điểm du lịch về đặc điểm của các ngành nghề du lịch, những lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại để tạo sự đồng thuận chung trong phát triển du lịch.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch, kỹ năng giao tiếp chăm sóc khách hàng, các kỹ năng nghề du lịch chuyên sâu, ngoại ngữ giao tiếp thông dụng cho đội ngũ lao động phục vụ du lịch tại địa phương như hộ gia đình, con em của cộng đồng dân cư địa phương vừa lao động ngành nghề khác vừa có thể tham gia hướng dẫn khách du lịch tham quan hoặc phục vụ lưu trú, ăn uống, trải nghiệm tại các điểm tham quan du lịch cộng đồng, làng nghề thủ công truyền thống.
- Mở các khoá đào tạo ngắn hạn, tại chỗ, vừa đào tạo kỹ năng phục vụ, vừa xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và an ninh, an toàn trong phục vụ khách du lịch. Các kiến thức về nhu cầu, sở thích, thói quen, tập quán giao tiếp ứng xử của khách du lịch (cả khách quốc tế và khách nội địa).
- Tổ chức các khóa học về quản lý doanh nghiệp nhỏ và kinh tế gia đình cho chủ doanh nghiệp, chủ hộ cá thể có tham gia kinh doanh du lịch trên địa bàn, góp phần tạo nét mới về kinh tế dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống văn hóa, vật chất của người dân ở các điểm đến du lịch của Tỉnh.
2.2- Phát triển hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch:
a)- Định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú:
Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú du lịch hiện có theo đúng tiêu chuẩn quốc gia; phát triển thêm một số cơ sở lưu trú chất lượng cao để đảm bảo phục vụ tốt các sự kiện của ngành, của Tỉnh, chú trọng nâng cao chất lượng buồng cũng như nâng cấp và đổi mới trang thiết bị của khách sạn; khuyến khích các cơ sở lưu trú bổ sung các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ khách lưu trú.
b)- Định hướng phát triển cơ sở vui chơi giải trí, thể thao:
Tăng cường công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh. Xây dựng, đưa 16 vào khai thác các show biểu diễn văn hóa nghệ thuật; khôi phục lại các loại hình vui chơi giải trí dân gian; phát triển các loại hình vui chơi, giải trí chuyên đề như: công viên chuyên đề, khu giải vui chơi giải trí chuyên đề tại các khu, điểm du lịch. Hình thành hệ thống các trung tâm vui chơi giải trí hỗn hợp về văn hoá, thể thao… phục vụ cho nhiều đối tượng ở các tuyến du lịch, điểm dừng chân, điểm tham quan để thu hút và giữ chân du khách.
c)- Định hướng phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống:
Xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn cấp biển hiệu phục vụ khách du lịch. Nghiên cứu phát triển những món ăn truyền thống của người dân Nam bộ nói chung, các món ăn đặc trưng của địa phương nói riêng để xây dựng thương hiệu gắn với cơ sở ăn uống. Tăng cường đào tạo, huấn luyện đội ngũ phục vụ trong cơ sở ăn uống chuyên nghiệp hơn, có kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách hàng, am hiểu văn hóa ẩm thực địa phương để tư vấn, giới thiệu cho khách.
d)- Định hướng phát triển hệ thống các cơ sở thương mại - dịch vụ:
Xây dựng hệ thống cơ sở mua sắm, cửa hàng bán các sản phẩm lưu niệm, quà tặng và cửa hàng đặc sản Đồng Tháp đạt tiêu chuẩn cấp biển hiệu phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch. Phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ thông tin, tư vấn du lịch, cơ sở dịch vụ đặt giữ chỗ, đại lý lữ hành, hướng dẫn; phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển khách du lịch, cơ sở dịch vụ phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, hội nghị và các mục đích khác nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách. Xây dựng hệ thống các điểm trưng bày các làng nghề thủ công truyền thống Đồng Tháp phục vụ khách tham quan, mua sắm và trải nghiệm.
2.3- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật:
a)- Định hướng phát triển giao thông đường bộ:

- Tập trung các trục giao thông chính kết nối các tour, tuyến du lịch của địa phương. Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, Tuyến đường ĐT843 đoạn Thanh Bình - Tam Nông; tuyến đường Tân Nghĩa - Gáo Giồng, tuyến đường N2 - Gò Tháp, tuyến đê bao khu vực đồng sen Tháp Mười, xúc tiến, bố trí vốn để thực hiện đoạn Cầu Cô Hai - Bằng Lăng và tuyến ĐT853 đoạn quốc lộ 54 - Sông Tiền và Bến phà Phong Hoà - Ô Môn, đảm bảo giao thông thông suốt.
- Phát huy hiệu quả cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống (khi hoàn thành) nhằm kết nối tỉnh Đồng Tháp với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Kết nối các trục giao thông đường Tỉnh với các tuyến đường giao thông quốc gia.
- Ưu tiên xây dựng các trục giao thông đối nội gắn kết mạng lưới giao thông từ Tỉnh đến huyện, xã, mở rộng diện tích mặt đường ở các tuyến giao thông có các khu, điểm du lịch trọng điểm đảm bảo cho xe tải trọng lớn và xe đạt chuẩn du lịch 45 chỗ ngồi trở lên lưu thông thông suốt giữa các khu, điểm du lịch trong Tỉnh.
- Nghiên cứu phát triển các tuyến xe buýt theo các tour tuyến du lịch đã được định vị. Khôi phục và sử dụng hợp lý các loại xe lôi, xích lô để đón khách tham quan đảm bảo tiện lợi, hấp dẫn, chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý.
b)- Định hướng phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ:
Tập trung phát triển hệ thống đường thuỷ, bến thủy nội địa tại các điểm tham quan du lịch (có phương tiện vận chuyển đường thủy). Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường thuỷ nội địa phù hợp với yêu cầu phát triển. Quy hoạch chi tiết hệ thống bến thủy nội địa tại các địa phương tạo điều kiện cho các tàu du lịch có thể cặp bến và đưa khách vào tham quan Đồng Tháp. Ngoài ra, nghiên cứu hình thành và phát triển thêm các tuyến đường thuỷ như tuyến du lịch đường thuỷ xuyên cồn Tân Thuận Tây ra sông Tiền và các tuyến kết nối từ trung tâm thành phố Cao Lãnh đi đến các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn Tỉnh.
c)- Định hướng về công tác vệ sinh môi trường và xử lý chất thải:
- Xây dựng hệ thống các biển hướng dẫn du khách và nhân dân bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao ý thức, thói quen sinh hoạt của nhân dân và du khách trong việc bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Có biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường, phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường do hoạt động du lịch gây ra.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, du khách; tăng cường việc kiểm soát thu gom, xử lý chất thải của các đơn vị; xử lý nghiêm việc xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhất là tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch trọng điểm của Tỉnh; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Điều tra, thống kê, đánh giá và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả nước thải, đổ chất thải vào nguồn nước trong quá trình khai thác và sinh hoạt, chất thải phải được kiểm soát và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường khi thải vào nguồn nước.
2.4- Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh và xây dựng tour, tuyến du lịch:
Định hướng phát triển tổng thể điểm đến Đồng Tháp với các sản phẩm du lịch sinh thái - du lịch trải nghiệm nông nghiệp - du lịch trải nghiệm mùa nước nổi - văn hóa cộng đồng - sen, cảnh quan nguyên sơ, tâm linh thư giãn, làng nghề thủ công truyền thống...
Căn cứ vào các giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của Tỉnh, định hướng phát triển trong thời gian tới, tập trung đầu tư khai thác giá trị nổi bật của từng khu, điểm du lịch thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn cao để thu hút khách, trong đó trọng tâm là xây dựng sản phẩm du lịch riêng biệt của từng khu, điểm du lịch trọng điểm như:
- Đón khách đến Tỉnh qua 3 cửa ngõ chính: huyện Tháp Mười, thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc.
- Thành phố Cao Lãnh: phát triển du lịch theo chủ đề “Thành phố du lịch - Thủ phủ Đất Sen Hồng”;
- Khu Di tích mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: phát triển là tuyến điểm trọng điểm giáo dục lịch sử, truyền thống quan trọng của Tỉnh;
- Khu Di tích Xẻo Quýt: phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề “Bảo tồn lịch sử - gìn giữ hồn quê”;
- Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng: phát triển theo chủ đề “Làng ẩm thực đồng quê”;
- Vườn Quốc gia Tràm Chim: phát triển theo chủ đề “Công viên chim tự nhiên của Đồng Tháp Mười - vương quốc của các loài chim”;
- Khu Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp - Đồng sen Tháp Mười: phát triển theo chủ đề “Vương quốc Sen và văn hóa tâm linh”;
- Thành phố Sa Đéc và Làng hoa kiểng Sa Đéc - TP. Sa Đéc: phát triển theo chủ đề “Thành phố hoa của khu vực Nam bộ”.
- Các tài nguyên du lịch khác như hệ thống các cồn, di tích, thắng cảnh, làng nghề… thuộc các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự, phát triển theo hướng mở, định hình chuyên đề hoặc tham gia vào chuỗi các vệ tinh, điểm, tuyến du lịch phù hợp với quy mô, giá trị tài nguyên, khả năng khai thác và nhu cầu thị trường du lịch.
- Chuẩn hóa và bổ sung các lễ hội định kỳ, tạo sản phẩm du lịch độc đáo góp phần làm nên tên tuổi, thương hiệu của điểm đến Đồng Tháp. Một số các lễ hội đặc sắc cần có kế hoạch khai thác tốt như: Lễ hội Gò Tháp, Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường, Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ hội sinh vật cảnh, Lễ hội Hoa Sa Đéc, Lễ hội xuân TP.Cao Lãnh…
2.5- Định hướng phát triển kết nối các điểm du lịch và liên kết khu vực (tour, tuyến du lịch):
a)- Các tuyến du lịch mới:

* Tour đường thủy:
- Vĩnh Long/Cái Bè - Sa Đéc - Làng bè Bình Thạnh - Xẻo Quýt.
- Vĩnh Long/Cái Bè - Sa Đéc - Làng bè Bình Thạnh - Châu Đốc - Campuchia.
* Tour đường bộ:
- TP.HCM - Tân Phước (Long An) - Gò Tháp/Đồng Sen - Tràm Chim - Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà - Campuchia.
- TP.HCM - Tân Phước (Long An) - Gò Tháp/Đồng Sen - Tràm Chim - Châu Đốc (An Giang).
- Mỹ Tho - Gò Tháp/Đồng Sen - Tràm Chim - Châu Đốc (An Giang).
- TP.HCM - Gò Tháp/Đồng Sen - Tràm Chim - Mộ Cụ Sắc/TP.Cao Lãnh - Gáo Giồng - Xẻo Quýt - Làng bè Bình Thạnh - Sa Đéc.
b)- Sản phẩm:
Xây dựng Tour Bắc Sông Tiền, xuyên Đồng Tháp Mười kết nối, hoàn thiện bản đồ du lịch MeKong.
c)- Thị trường mục tiêu:
- Đối tượng: Du khách muốn trải nghiệm du lịch sinh thái - cộng đồng.
- Độ tuổi: Ưu tiên nhóm trẻ độ tuổi từ 20 - 40.
- Thu nhập: Phân khúc trung bình khá
- Địa điểm: Hà Nội, TP.HCM
- Liên kết: Các đơn vị đang làm tour nội địa và quốc tế có ghé Sa Đéc và liên vận sang Campuchia.
d)- Phân khúc thị trường:
Với xuất phát điểm thấp, năng lực phục vụ chưa cao, thị trường mục tiêu của du lịch Đồng Tháp hướng vào các đối tượng như sau:
* Giai đoạn 2015 - 2016:
- Du khách nội địa ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận.
- Du khách trong tỉnh.
- Du khách Campuchia.
- Khách bình dân và trung bình khá.
- Giới chụp ảnh, nghiên cứu khoa học, các bạn trẻ yêu môi trường, sinh thái, thích khám phá, trải nghiệm trong và ngoài nước.
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Du lịch nội địa: Khách du lịch từ TP.HCM, Miền Bắc và các tỉnh ĐBSCL.
- Khách bình dân và trung bình khá.
- Khai thác thêm phân khúc cao cấp và du khách quốc tế từ các thị trường có nhu cầu nghỉ dưỡng sinh thái (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp…) theo tình hình phát triển thực tế.
3. Các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp.
3.1- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch Đồng Tháp:
Đây là giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa quyết định. Thực hiện tuyên truyền thường xuyên, liên tục, bằng các lực lượng, nhiều hình thức, kết hợp phương pháp truyền thống với phương pháp hiện đại, nâng cao nhận thức đội ngũ những người tham gia hoạt động du lịch, cán bộ quản lý và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động phát triển du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm tạo sự đồng thuận thực hiện các mục tiêu Đề án.
3.2- Đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch:
Tập trung đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh để xây dựng các tuyến du lịch, tour du lịch khép kín; đầu tư nâng cấp hệ thống điện, cấp thoát nước, cải thiện môi trường du lịch để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch. Đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, các khu vui chơi giải trí phù hợp tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch trọng điểm; phát triển hệ thống các trạm dừng chân trên các tuyến du lịch. Tiếp tục đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ để đưa vào các tuyến điểm tham quan du lịch nhằm làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Đồng Tháp, tăng tính hấp dẫn đối với du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách.
Nâng cấp, phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú và công trình phục vụ du lịch chất lượng cao theo Tiêu chuẩn Quốc gia như hệ thống khách sạn - nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, Trung tâm Hội nghị - Triển lãm - Thương mại cao cấp... tập trung ở trung tâm du lịch TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc. Khôi phục, cải tiến có chọn lọc một số phương tiện vận tải hành khách thô sơ như: xích lô, xe lôi, xe ngựa hoặc thí điểm áp dụng xe điện năng lượng mặt trời phù hợp với tiêu chuẩn du lịch xanh và đô thị sinh thái.
3.3- Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng khu, điểm du lịch trọng điểm và xây dựng thương hiệu du lịch:
Nghiên cứu sâu sắc nét đặc trưng riêng của từng khu, điểm du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với thương hiệu của khu, điểm du lịch đó. Trùng tu, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh, hỗ trợ khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với văn hóa bản địa để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. Phát huy văn hóa phi vật thể, đặc biệt là phát huy thế mạnh văn hóa ẩm thực, giá trị giọng “Hò Đồng Tháp” và sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương gắn với các hoạt động du lịch trải nghiệm. Đa dạng, nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch và hàng quà tặng, hàng đặc sản. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất, mở rộng và bổ sung dịch vụ tại các điểm đến du lịch của Tỉnh đang thu hút nhiều khách du lịch như: Khu di tích cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quýt, Gáo Giồng, Vườn quốc gia Tràm chim, Gò Tháp, Làng hoa Sa Đéc, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê… gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống để khai thác sản phẩm du lịch đặc thù của từng khu điểm du lịch.
3.4- Truyền thông quảng bá hình ảnh, tài nguyên, sản phẩm du lịch Đồng Tháp:
- Thông điệp để quảng bá du lịch: “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” - Đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến du lịch, vận động đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh. Gắn việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao kết hợp với quảng bá hình ảnh du lịch, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống của Tỉnh mang tính chuyên nghiệp hơn, có chiều sâu. Tổ chức các Đoàn Famtrip doanh nghiệp du lịch, lữ hành, báo, đài trong cả nước để tăng cường việc liên kết, nối tour đưa khách về tham quan du lịch Đồng Tháp và quảng bá hình ảnh điểm đến. Tổ chức Đoàn xúc tiến du lịch và học tập kinh nghiệm mô hình phát triển du lịch trong và ngoài nước để xây dựng sản phẩm mới, đặc trưng của Tỉnh.
3.5- Đào tạo nguồn nhân lực du lịch:
Nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề cho lực lượng phục vụ trong ngành chuyên nghiệp hơn để nâng chất lượng dịch vụ và tập huấn kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư vùng có khu điểm du lịch để người dân có điều kiện tham gia vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các khu điểm du lịch. Hướng đào tạo phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí của từng bộ phận. Chia làm 3 nhóm đối tượng đào tạo: nhóm cán bộ, nhân viên quản lý nhà nước về du lịch các cấp và các sở, ngành có liên quan; nhóm các bộ quản lý các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và nhóm cộng đồng dân cư tham gia hoạt động dịch vụ du lịch tại địa phương. Chương trình đào tạo: theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam gắn kết với nhu cầu thực tiễn tại cơ sở và tình hình phát triển du lịch địa phương. Hình thức đào tạo: kết hợp nhiều hình thức đào tạo, trong đó, ưu tiên công tác đào tạo tại chỗ, tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hoạt động ổn định, hiệu quả.
3.6- Cải thiện môi trường du lịch:
Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh an toàn cho khách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, tránh tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách, cạnh tranh không lành mạnh… làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của ngành du lịch Tỉnh, nhằm phát triển du lịch Tỉnh theo hướng có trách nhiệm, bền vững.
3.7- Mời gọi đầu tư phát triển du lịch:
Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài Tỉnh tham gia đầu tư phát triển du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư khai thác dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Tập trung khơi gợi, tạo cảm hứng, kêu gọi đầu tư đúng các hạng mục còn yếu và thiếu như Đề án đã đề ra theo từng giai đoạn, tương ứng với từng tuyến điểm du lịch cụ thể.
III.- KẾT LUẬN.
Du lịch có vai trò quan trọng, không chỉ đối với kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao hình ảnh và niềm tự hào của nhân dân địa phương. Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 là một trong ba trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh từ đây đến năm 2020, vừa có ý nghĩa thúc đẩy nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu, hiện đại hóa nền nông nghiệp của Tỉnh và tiêu thụ xuất khẩu tại chỗ sản phẩm đặc sản nông sản, sản phẩm làng nghề. Cốt lõi của Đề án là: đặt du lịch Tỉnh trong mối quan hệ tổng thể với du lịch ĐBSCL và cả nước; phân công từng điểm du lịch với những chuyên đề và sản phẩm đặc thù, tìm hướng đi riêng, không trùng lắp, tạo sự hấp dẫn thu hút du khách; coi trọng giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội và đổi mới quản lý tại các khu điểm du lịch cho phù hợp, có cơ chế linh hoạt, thông thoáng để xã hội hóa, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế cả trong Tỉnh, trong nước và nước ngoài để phát triển, sớm đưa du lịch của Tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020./.


Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp. 

Ý kiến bạn đọc