Sếu đầu đỏ

Wednesday, 11/11/2015, 18:44 GMT+7

 

seu-L

Với chiều cao khoảng gần 1.8m, Sếu đầu đỏ là loài chim biết bay cao nhất thế giới.
 
Những cánh rừng khô thuộc khu vực trung tâm Đông Nam Á là nơi cư ngụ của loài Sếu đầu đỏ phương Đông, từng có thời phân bố rộng rãi tại các khu đất ngập nước của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Myanmar, Thái Lan và Vân Nam (Trung Quốc). Ước tính, hiện nay chỉ còn khoảng 1.000 cá thể tại vùng Đông Nam Á này.
 
Tại Việt Nam, những năm gần đây, Sếu đầu đỏ đã trở lại vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn do sinh cảnh đất ngập nước nơi đây đã được phục hồi gần với điều kiện tự nhiên trước đây, giúp cho các bãi thức ăn của chúng phát triển trở lại. Hàng năm, có khoảng gần 20 cá thể xuất hiện tại khu vực này.
 
Sếu đầu đỏ phương Đông trưởng thành cao khoảng 150-180cm; sải cánh từ 220-250cm và có trọng lượng trung bình 8-10kg, là loài lớn nhất trong họ sếu. Chúng có chế độ ăn tạp, có thể ăn các thức ăn thô thường gặp tại đầm lầy và các vùng nước nông như rễ, củ cây, côn trùng, động vật giáp xác và một số loài thú có vú nhỏ.

Các mối đe doạ

Sếu đầu đỏ là một loài chim quý hiếm, được bảo vệ bởi pháp luật của hầu hết các quốc gia nơi chúng phân bố, trong đó có Việt Nam.
 
Mối đe doạ lớn nhất đối với loài này, đặc biệt tại Việt Nam là sinh cảnh sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn bị hạn chế do những thay đổi về sinh cảnh. Biến đổi khí hậu cùng những tác động không lường trước tới sinh cảnh của chúng cũng là một mối đe doạ cho loài này.
 
Ngoài ra, một mối đe doạ ít phổ biến hơn tại Việt Nam là việc buôn bán bất hợp pháp trứng, chim non và chim trưởng thành hoặc săn bắt trứng và sếu để làm thức ăn.

seu_1Vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn là nơi cư ngụ của Sếu đầu đỏ tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý chế độ thuỷ văn để phòng cháy chữa cháy đã khiến cho sinh cảnh khu vực này bị thay đổi, dẫn đến nguồn thức ăn của Sếu đầu đỏ bị hạn chế. Loài chim này hầu như biến mất khỏi khu vực những năm đó. Kể từ năm 2007, WWF đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi sinh cảnh tại Vườn quốc gia Tràm Chim, một phần của Đồng Tháp Mười, gần giống với điều kiện tự nhiên xưa. Sau vài năm thực hiện hoạt động, nguồn thức ăn của sếu – cỏ năng – đã phát triển trở lại. Vườn đã ghi nhận sự trở lại của loài Sếu quý hiếm này trong những năm gần đây.
 
Tiếp nối thành công đã đạt được, WWF hiện đang triển khai các hoạt động tương tự tại Khu bảo tồn Láng Sen, khu đất ngập nước còn lại của vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn xưa kia.

 

 

Reviews